Cháy đầu máy tàu hỏa, đường sắt Bắc-Nam tê liệt nhiều giờ
Đoàn tàu SPT1 chạy tuyến Phan Thiết - Sài Gòn từ đầu máy khói bốc lên khiến lái tàu phải dừng khẩn cấp để dập lửa.
Vào khoảng 13h45 ngày 13/7, đoàn tàu SPT1 chạy tuyến Phan Thiết-Sài Gòn đang lưu thông đến km 1556 + 800 tuyến đường sắt Bắc - Nam thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã đột ngột chạy ngập ngừng và khói từ đầu máy bốc lên.
Trưởng tàu lập tức yêu cầu dừng khẩn cấp và phát hiện bồn chứa dầu nguyên liệu ở đầu máy bị cháy. Lái tàu và nhiều nhân viên trên tàu đã kịp thời chữa cháy dập tắt được ngọn lửa. Tuy nhiên vụ cháy đã khiến đầu máy bị hư hỏng và không thể khởi động máy để tiếp tục hành trình.
Chay dau may tau hoa, duong sat Bac-Nam te liet nhieu gio hinh anh 1
Đoàn tàu được kéo về Ga Mương Mán để giải phóng tuyến đường sắt bị tê liệt.
Trước đó, vào 13h10, con tàu này vừa xuất phát từ ga Phan Thiết trên hành trình đi ga Sài Gòn đã được kiểm tra kỹ thuật an toàn. Sự cố này đã làm đường sắt Bắc-Nam tê liệt nhiều giờ.
Đến khoảng 15h40, con tàu bị kéo ngược về ga Bình Thuận (Mương Mán) và hành khách được thông báo do hư đầu máy và đang chờ đầu máy khác thay thế. Những hành khách vì có công việc gấp không chờ đợi được đã xuống tàu để tìm phương tiện khác vào TP HCM.
Tại ga Bình Thuận có ít nhất 3 đoàn tàu phải dừng chờ tại đây. Đến 16h20 cùng ngày, đoàn tàu SPT1 mới tiếp tục khởi hành từ ga Bình Thuận để đi đến ga Sài Gòn, trễ 4 giờ so với giờ xuất phát.
Tàu, máy bay, buýt tăng chuyến phục vụ lễ 30/4
Phước Tuần Phúc Anh07:31 13/04/2018Ngành đường sắt, giao thông công cộng TP.HCM và nhiều hãng hàng không tăng chuyến để phục vụ nhu cầu tăng cao của người dân đi chơi dịp lễ 30/4 và 1/5.
Ngày 12/4, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải đường sắt, chi nhánh Sài Gòn, cho biết trong ngày Giỗ Tổ (10/3 âm lịch), ngoài 8 đôi tàu đang chạy bình thường, ngành đường sắt tăng cường thêm 3 đoàn tàu xuất phát từ Ga Sài Gòn (TP.HCM) đến Phan Thiết (Bình Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định) và ngược lại.
Tổng cộng đợt này ngành đường sắt thêm 7 chuyến (đáp ứng khoảng 4.200 hành khách). Cụ thể, tàu SPT4, SPT5 tăng 2 chuyến; SNT6, SNT8, SNT7 tăng 3 chuyến và SQN2, SQN3 tăng 2 chuyến.
Đối với dịp lễ 30/4, các đoàn tàu từ Ga Sài Gòn đến Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn và ngược lại cũng tăng tổng cộng 28 chuyến. Trong đó, tuyến Sài Gòn - Phan Thiết và ngược lại tăng 7 chuyến; Nha Trang tăng 16 chuyến; Quy Nhơn tăng 5 chuyến.
Cũng nhằm phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách, Hãng hàng không Vietnam Airlines tăng thêm gần 300 chuyến bay, tương ứng gần 60.000 ghế trên 12 đường bay nội địa trong giai đoạn từ ngày 25/4 đến 4/5.
Tổng ghế cung ứng nội địa trong thời gian này đạt trên 480.000 ghế, tăng 14% so với thường lệ và 4,5% so với cùng kỳ, tăng tập trung chủ yếu trên các đường bay du lịch trọng điểm là Hà Nội/Sài Gòn - Đà Nẵng, Hà Nội/Sài Gòn - Phú Quốc, Hà Nội - Nha Trang.
Đại diện Vietjet Air cho biết hãng này đã lên phương án tăng cường 200 chuyến bay, với 46.000 ghế đến các điểm du lịch như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt… cũng như các điểm đến quốc tế như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan…
Trước đó, hôm 10/4, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng, Sở GTVT TP.HCM, cho biết đơn vị sẽ tăng 1.835 chuyến đối với 13 tuyến buýt có trợ giá, 5 tuyến buýt không trợ giá để phục vụ dịp Giỗ Tổ (mùng 10 tháng 3, nhằm 25/4), kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5.
Tàu SE3 trật bánh trên đèo Hải Vân
Tàu SE3 chuẩn bị vượt đèo Hải Vân vào địa phận Đà Nẵng thì bị trật bánh ở toa số 8 khiến hàng trăm hành khách hoảng loạn.
Lúc 10h10 ngày 16/1, tàu SE3 đang lưu thông hướng Hà Nội - TP.HCM thì bất ngờ bị trật bánh ở toa số 8. Nơi xảy ra sự cố là km766+550, phía bắc đèo Hải Vân (thuộc địa phận Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Không có người bị thương khi tàu trật bánh nhưng sự cố khiến nhiều hành khách hoảng sợ.
"Tôi đang nằm ngủ ở toa số 8 thì tàu bị phanh gấp và sau ít phút thì dừng bánh. Mọi người trên toa này bị chao đảo, va vào thành giường nhưng rất may không ai bị thương", một hành khách chia sẻ.
Tàu SE3 do ông Vũ Văn Hiền làm trưởng tàu, chở hơn 200 hành khách xuất phát từ Hà Nội lúc 19h30 tối 15/1.
Ngay khi xảy ra sự cố, trưởng tàu đã báo về Trung tâm điều hành vận tải (ga Đà Nẵng) để điều tiết các chuyến tàu khác dừng bánh, tránh xảy ra va chạm.
Sau đó, các tàu SE1, SE19 và SE23 chạy hướng Hà Nội - TP.HCM chở gần 1.000 hành khách phải dừng bánh ở ga Lăng Cô, chờ thông tuyến mới tiếp tục hành trình.
Nhận được tin báo, lực lượng CSGT đường sắt phối hợp với lãnh đạo Ga Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế đã điều động gần 50 nhân viên cùng nhiều phương tiện đến hiện trường cứu hộ.
Dự kiến, 15h chiều nay lực lượng chức năng mới xử lý xong sự cố.
Đường sắt Bắc - Nam liên tục bị tê liệt do gặp sạt lở
Sau khi điểm sạt lở núi đèo Hải Vân khai thông giữa đêm 20/11, sáng nay, tàu hàng 3405 gặp sự cố ở ga Tiên An (Quảng Trị) khiến đường sắt Bắc - Nam tiếp tục tê liệt nhiều giờ.
Khoảng 2h sáng 21/1, tàu hàng mang số hiệu 3405 trên đường từ Hà Nội đi TP HCM, khi đến khu vực ga Tiên An, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) thì gặp sự cố bị trật bánh.
Theo các trưởng tàu SE1, SE3, tàu hàng này gặp sự cố chẻ ghi đã trật bánh ở khu vực ga Tiên An (Quảng Trị) khiến đường sắt Bắc - Nam tiếp tục tê liệt nhiều giờ. Hàng loạt tàu khách phải đỗ ở các ga phía Bắc chờ đợi suốt nhiều giờ mới có thể tiếp tục hành trình.
Ông Nguyễn Thanh Khánh, Giám đốc chi nhánh Vận tải đường sắt Thừa Thiên - Huế, cho biết đến 21h ngày 20/11, tuyến đường sắt Bắc - Nam đã được thông tuyến sau 9 giờ bị tê liệt do sạt lở núi.
Đến 8h sáng nay, sự cố tàu hàng này được khắc phục, tuyến đường sắt Bắc - Nam thông tuyến trở lại bình thường.
Trước đó, khoảng 12h20 ngày 20/11, tại Km 758 + 400 ở khu gian Lăng Cô - Hải Vân Bắc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) xảy ra hiện tượng sạt lở núi. Núi lở khiến hàng loạt tảng đá lớn rơi xuống chắn ngang giữa đường sắt Bắc - Nam khiến nhiều tàu phải dừng lại.
Tại hiện trường, nhiều tảng đá rơi xuống nằm ngổn ngang khoảng 15 m trên đường sắt; trong đó có tảng đá lớn nhất hơn 6 m3 chắn giữa đường ray, buộc tàu phải lùi về ga Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) chờ lực lượng cứu hộ đến giải tỏa.
Công ty Quản lý đường sắt Thừa Thiên - Huế huy động nhân lực cùng nhiều phương tiện chuyên dụng đến hiện trường phá đá, tìm giải pháp khai thông điểm sạt lở núi nơi đây.