Miễn phí cho hành khách đổi trả vé tàu do sập cầu Ghềnh
Sau vụ sập cầu Ghềnh, đến sáng 21/3, ngành đường sắt đã thực hiện chuyển tải 21 đoàn tàu với tổng số hơn 5.200 hành khách đoạn qua Biên Hòa an toàn.
Liên quan đến vụ sà lan đâm sập trụ cầu Ghềnh (Đồng Nai), chiều 21/3, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông tin chính thức về việc sẽ điều chỉnh phương án chạy tàu phù hợp trên đoạn Nha Trang - Sài Gòn và chuyển tải hành khách đoạn từ Sài Gòn - Biên Hòa và ngược lại.
Việc thay đổi lịch trình chạy tàu chủ yếu thực hiện đối với khu đoạn từ Nha Trang trở vào Sài Gòn.
Đối với hành khách tiếp tục có nhu cầu đi bằng đường sắt, trong thời gian khắc phục sự cố không phải chỉ trả chi phí chuyển tải, các hoạt động bán vé và vận chuyển hành khách của Tổng công ty vẫn diễn ra bình thường.
Tính đến sáng nay 21/3, ngành đường sắt đã thực hiện chuyển tải 21 đoàn tàu với tổng số 5.207 hành khách đoạn qua Biên Hòa an toàn.
"Đặc biệt, hành khách có nhu cầu đổi, trả vé liên quan đến việc chuyển tải khách, thay đổi lịch trình sẽ không phải thanh toán phí đổi, trả", Tổng công ty Đường sắt cho hay.
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt khẳng định: "Trong thời gian khắc phục sự cố, ngành đường sắt sẽ phải thực hiện việc chuyển tải đoạn từ Sài Gòn - Biên Hòa và ngược lại nhưng hành khách vẫn lựa chọn đi lại bằng tàu hỏa vì sự an toàn và thái độ phục vụ tích cực của nhân viên khi xảy ra sự cố".
Về vận tải hàng hóa, Tổng công ty đường sắt tiếp tục tổ chức vận chuyển hành hóa từ các ga phía Bắc vào đến ga Bình Thuận và ngược lại. Hàng hóa tại khu vực phía Nam được tổ chức xếp dỡ tại các ga Long Khánh, Trảng Bom, Hố Nai.
Trước đó, trưa 20/3, tàu kéo sà lan lưu thông theo hướng từ hạ nguồn lên thượng nguồn sông Đồng Nai đã đâm vào trụ cầu Ghềnh (tại km 1699+860, thuộc khu gian đường sắt Biên Hòa - Dĩ An). Vụ va chạm làm gãy trụ cầu và làm sập nhịp 2 và 3 của cầu.
Tai nạn xảy ra làm nhịp 3 bị rơi và nhịp 2 đầu Nam rơi xuống sông. Đầu cầu Bắc rơi gác lên trụ số 1.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường tại cuộc họp với đơn vị liên quan bàn kế hoạch khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh đã kết luận sẽ thông tuyến đường sắt qua cầu Ghềnh vào ngày 15/7.
Kết luận cuộc họp, thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu các đơn vị thực hiện theo phương án 3 là xây hai trụ mới, và dầm mới (gần như xây mới), đồng thời nâng cao độ tĩnh không lên 6 m.
Tàu SE3 trật bánh trên đèo Hải Vân
Tàu SE3 chuẩn bị vượt đèo Hải Vân vào địa phận Đà Nẵng thì bị trật bánh ở toa số 8 khiến hàng trăm hành khách hoảng loạn.
Lúc 10h10 ngày 16/1, tàu SE3 đang lưu thông hướng Hà Nội - TP.HCM thì bất ngờ bị trật bánh ở toa số 8. Nơi xảy ra sự cố là km766+550, phía bắc đèo Hải Vân (thuộc địa phận Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Không có người bị thương khi tàu trật bánh nhưng sự cố khiến nhiều hành khách hoảng sợ.
"Tôi đang nằm ngủ ở toa số 8 thì tàu bị phanh gấp và sau ít phút thì dừng bánh. Mọi người trên toa này bị chao đảo, va vào thành giường nhưng rất may không ai bị thương", một hành khách chia sẻ.
Tàu SE3 do ông Vũ Văn Hiền làm trưởng tàu, chở hơn 200 hành khách xuất phát từ Hà Nội lúc 19h30 tối 15/1.
Ngay khi xảy ra sự cố, trưởng tàu đã báo về Trung tâm điều hành vận tải (ga Đà Nẵng) để điều tiết các chuyến tàu khác dừng bánh, tránh xảy ra va chạm.
Sau đó, các tàu SE1, SE19 và SE23 chạy hướng Hà Nội - TP.HCM chở gần 1.000 hành khách phải dừng bánh ở ga Lăng Cô, chờ thông tuyến mới tiếp tục hành trình.
Nhận được tin báo, lực lượng CSGT đường sắt phối hợp với lãnh đạo Ga Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế đã điều động gần 50 nhân viên cùng nhiều phương tiện đến hiện trường cứu hộ.
Dự kiến, 15h chiều nay lực lượng chức năng mới xử lý xong sự cố.
Đường sắt Bắc - Nam liên tục bị tê liệt do gặp sạt lở
Sau khi điểm sạt lở núi đèo Hải Vân khai thông giữa đêm 20/11, sáng nay, tàu hàng 3405 gặp sự cố ở ga Tiên An (Quảng Trị) khiến đường sắt Bắc - Nam tiếp tục tê liệt nhiều giờ.
Khoảng 2h sáng 21/1, tàu hàng mang số hiệu 3405 trên đường từ Hà Nội đi TP HCM, khi đến khu vực ga Tiên An, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) thì gặp sự cố bị trật bánh.
Theo các trưởng tàu SE1, SE3, tàu hàng này gặp sự cố chẻ ghi đã trật bánh ở khu vực ga Tiên An (Quảng Trị) khiến đường sắt Bắc - Nam tiếp tục tê liệt nhiều giờ. Hàng loạt tàu khách phải đỗ ở các ga phía Bắc chờ đợi suốt nhiều giờ mới có thể tiếp tục hành trình.
Ông Nguyễn Thanh Khánh, Giám đốc chi nhánh Vận tải đường sắt Thừa Thiên - Huế, cho biết đến 21h ngày 20/11, tuyến đường sắt Bắc - Nam đã được thông tuyến sau 9 giờ bị tê liệt do sạt lở núi.
Đến 8h sáng nay, sự cố tàu hàng này được khắc phục, tuyến đường sắt Bắc - Nam thông tuyến trở lại bình thường.
Trước đó, khoảng 12h20 ngày 20/11, tại Km 758 + 400 ở khu gian Lăng Cô - Hải Vân Bắc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) xảy ra hiện tượng sạt lở núi. Núi lở khiến hàng loạt tảng đá lớn rơi xuống chắn ngang giữa đường sắt Bắc - Nam khiến nhiều tàu phải dừng lại.
Tại hiện trường, nhiều tảng đá rơi xuống nằm ngổn ngang khoảng 15 m trên đường sắt; trong đó có tảng đá lớn nhất hơn 6 m3 chắn giữa đường ray, buộc tàu phải lùi về ga Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) chờ lực lượng cứu hộ đến giải tỏa.
Công ty Quản lý đường sắt Thừa Thiên - Huế huy động nhân lực cùng nhiều phương tiện chuyên dụng đến hiện trường phá đá, tìm giải pháp khai thông điểm sạt lở núi nơi đây.