Chuyện ghi sau những chuyến tàu đến Ga Bồng Sơn
TTO - Những chuyện nhỏ trên chuyến tàu hỏa ngày tết và ước mong những hành trình đường sắt trật tự, văn minh hơn dưới góc nhìn của bạn đọc Minh Vũ
Chuyến tàu SE25 khởi hành từ ga Quảng Ngãi đi TP.HCM lúc 15h mùng 8 tháng giêng (12-2) dừng lại ga Bồng Sơn, Bình Định. Một gia đình gồm 4 người lên tàu, họ đến đúng toa, đúng số ghế của mình thì thấy có người khác đã an tọa.
Từ chuyện nhầm tàu...
Đôi bên đều nói đó là chỗ của mình, rồi so vé... Lúc đó, cả nhân viên soát vé và những hành khách vừa lên tàu mới phát hiện ra là đi nhầm ngày. Vé của họ đi vào ngày 13-2, nhằm mùng 9 chứ không phải mùng 8. Họ đành ở trên tàu, đợi tàu dừng tại ga Diêu Trì để đón xe quay trở về chờ tàu hôm sau.
Sự cố có thể xem là hi hữu. Nhân viên phụ trách toa tàu cho rằng do lúc đó hành khách và cả thân nhân của hành khách lên và xuống tàu quá đông (người nhà lên xuống tàu để phụ giúp đưa hành lý và tiễn người thân) nên đã để cho hành khách lên tàu mà chưa kịp soát vé, sau khi hành khách lên tàu ổn định chỗ ngồi, tàu lăn bánh mới bắt đầu kiểm tra...
Vài năm trước, cũng trên chuyến tàu tết từ miền Trung vào TP.HCM, tôi từng chứng kiến chuyện một hành khách từ ga Quảng Ngãi lên tàu để tiễn người thân, mải trò chuyện, không nghe tàu thông báo nên không kịp xuống trước khi tàu chuyển bánh. Lúc đó tàu SE, tàu nhanh, không dừng ở ga nhỏ nên tàu tới ga Diêu Trì (tỉnh Bình Định) hành khách này mới được xuống tàu và chờ tàu khác để về lại quê Quảng Ngãi với chặng đường dài hơn 120km.
Khách lên nhầm tàu, nhầm ngày giờ ngoài lỗi của hành khách còn là do sự sơ sót của nhân viên soát vé tại các nhà ga và cả nhân viên soát vé tại cửa lên xuống các toa tàu. Những dịp lễ, tết tại các nhà ga, ngoài số lượng hành khách đi tàu rất đông còn có đông người thân, bạn bè đưa tiễn cũng lên tàu. Có khi vài người đi tàu nhưng có đến chục người đưa tiễn, giúp đưa hành lý lên tàu...
Vì áp lực công việc và có quá đông hành khách chen lấn tại các cửa lên xuống toa tàu đã góp thêm phần lộn xộn ở các cửa ra vào ga và lên xuống tàu. Thân nhân của hành khách nên hạn chế việc ra vào ga hoặc cố chen chân lên xuống các toa tàu để trò chuyện khi tiễn đưa. Khi cần phụ đưa hành lý cho người thân chỉ cần một người lên xuống tàu, cũng là cách giúp nhân viên làm tốt nhiệm vụ kiểm tra, soát vé tại cửa lên xuống các toa tàu.
Và những chuyến tàu ấm áp
Chuyến tàu ngày 12-2 khởi hành từ miền Trung vào TP.HCM. Tại toa số 5, một phụ nữ khoảng 30 tuổi bụng bầu sắp sinh dẫn theo con trai chừng hơn 4 tuổi có vé giường nằm tầng 3. Chị nói: do đăng ký mua loại vé tàu giường nằm tầng 1 nhưng không thể mua được, mẹ con chị đành chấp nhận mua loại vé giường nằm tầng 3.
Nhìn chị khó nhọc leo trèo, anh H. và em của mình đang nằm giường tầng 1 và tầng 2 đã quyết định nhường lại chiếc giường nằm tầng 1 của mình cho chị và cháu bé. Anh vui vẻ lên tầng 3 trước sự cảm kích của nhiều hành khách. Chuyến tàu SE26 ngày 27 tết vừa qua, tôi cũng đã chứng kiến nhiều hành động đẹp.
Một gia đình gồm vợ chồng và hai con nhỏ mua vé giường nằm nhưng không mua được cùng buồng. Hai hành khách khác đã thống nhất đổi chỗ để gia đình được nằm cùng buồng, tiện chăm sóc cho nhau. Một gia đình gồm đôi vợ chồng trẻ, bà cụ ngoài 70 tuổi, bé gái hơn 3 tuổi lên tàu bằng vé phụ mệt nhoài ngoài hành lang. Một phụ nữ có vé giường nằm đã gọi con nhỏ 7 tuổi xuống nằm cùng mình, nhường giường của con để bà cụ và cháu nằm nghỉ cho đỡ mệt.
Một hành khách nằm giường tầng 1 đối diện với tôi kể chuyện: chị mới gọi cho người quen đi trên chuyến tàu SE22 (khởi hành sau chuyến tàu của chúng tôi chừng 2 tiếng) và được biết người thân của chị (đi cùng con nhỏ 2 tuổi) cũng đã được một hành khách cùng buồng nhường lại giường tầng 2 vì thấy hai mẹ con lên xuống vất vả quá...
Đây không phải là lần đầu tiên tôi gặp những hành động đẹp kiểu này. Nhường một chút có thể thiệt một chút (vì hẳn nhiên giá vé giường tầng dưới cao hơn chút ít) nhưng đổi lại là niềm vui chia sẻ, để ngày xuân ai cũng được đi đến nơi về đến chốn. Nhờ có sự tương trợ và ứng xử nghĩa tình, không tính toán thiệt hơn, những chuyến tàu tết dù quá đông và quá mệt nhưng ấm áp và thân thiện hơn.
Mong những hành trình văn minh hơn
Thỉnh thoảng cũng có những hành khách lên tàu bằng vé phụ ngồi nhờ, nằm nhờ ghế, giường người khác và tự nhiên, tỉnh bơ như chỗ của mình. Nhiều hành khách sang buồng khác nói chuyện với người thân rồi ngồi lâu, ồn ào to tiếng... gây phiền cho những hành khách khác. Đôi khi hành khách cũng phải "chịu đựng" những kiểu ứng xử lạ trên tàu.
Lúc mua vé, ai cũng muốn chọn vé thuận lợi nhất cho mình. Nhưng đến khi chia sẻ một chỗ ngồi, một chút lợi ích trên chuyến đi, người "tặng" có lẽ không câu nệ một lời cảm ơn, bất tiện hơn chút cũng qua. Nhưng người "nhận" sẻ chia nếu ý tứ một chút, mọi người cùng hành xử văn minh, lịch sự một chút, hành trình cùng nhau sẽ vui vẻ hơn biết bao nhiêu!
Tàu SE3 trật bánh trên đèo Hải Vân
Tàu SE3 chuẩn bị vượt đèo Hải Vân vào địa phận Đà Nẵng thì bị trật bánh ở toa số 8 khiến hàng trăm hành khách hoảng loạn.
Lúc 10h10 ngày 16/1, tàu SE3 đang lưu thông hướng Hà Nội - TP.HCM thì bất ngờ bị trật bánh ở toa số 8. Nơi xảy ra sự cố là km766+550, phía bắc đèo Hải Vân (thuộc địa phận Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Không có người bị thương khi tàu trật bánh nhưng sự cố khiến nhiều hành khách hoảng sợ.
"Tôi đang nằm ngủ ở toa số 8 thì tàu bị phanh gấp và sau ít phút thì dừng bánh. Mọi người trên toa này bị chao đảo, va vào thành giường nhưng rất may không ai bị thương", một hành khách chia sẻ.
Tàu SE3 do ông Vũ Văn Hiền làm trưởng tàu, chở hơn 200 hành khách xuất phát từ Hà Nội lúc 19h30 tối 15/1.
Ngay khi xảy ra sự cố, trưởng tàu đã báo về Trung tâm điều hành vận tải (ga Đà Nẵng) để điều tiết các chuyến tàu khác dừng bánh, tránh xảy ra va chạm.
Sau đó, các tàu SE1, SE19 và SE23 chạy hướng Hà Nội - TP.HCM chở gần 1.000 hành khách phải dừng bánh ở ga Lăng Cô, chờ thông tuyến mới tiếp tục hành trình.
Nhận được tin báo, lực lượng CSGT đường sắt phối hợp với lãnh đạo Ga Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế đã điều động gần 50 nhân viên cùng nhiều phương tiện đến hiện trường cứu hộ.
Dự kiến, 15h chiều nay lực lượng chức năng mới xử lý xong sự cố.
Đường sắt Bắc - Nam liên tục bị tê liệt do gặp sạt lở
Sau khi điểm sạt lở núi đèo Hải Vân khai thông giữa đêm 20/11, sáng nay, tàu hàng 3405 gặp sự cố ở ga Tiên An (Quảng Trị) khiến đường sắt Bắc - Nam tiếp tục tê liệt nhiều giờ.
Khoảng 2h sáng 21/1, tàu hàng mang số hiệu 3405 trên đường từ Hà Nội đi TP HCM, khi đến khu vực ga Tiên An, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) thì gặp sự cố bị trật bánh.
Theo các trưởng tàu SE1, SE3, tàu hàng này gặp sự cố chẻ ghi đã trật bánh ở khu vực ga Tiên An (Quảng Trị) khiến đường sắt Bắc - Nam tiếp tục tê liệt nhiều giờ. Hàng loạt tàu khách phải đỗ ở các ga phía Bắc chờ đợi suốt nhiều giờ mới có thể tiếp tục hành trình.
Ông Nguyễn Thanh Khánh, Giám đốc chi nhánh Vận tải đường sắt Thừa Thiên - Huế, cho biết đến 21h ngày 20/11, tuyến đường sắt Bắc - Nam đã được thông tuyến sau 9 giờ bị tê liệt do sạt lở núi.
Đến 8h sáng nay, sự cố tàu hàng này được khắc phục, tuyến đường sắt Bắc - Nam thông tuyến trở lại bình thường.
Trước đó, khoảng 12h20 ngày 20/11, tại Km 758 + 400 ở khu gian Lăng Cô - Hải Vân Bắc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) xảy ra hiện tượng sạt lở núi. Núi lở khiến hàng loạt tảng đá lớn rơi xuống chắn ngang giữa đường sắt Bắc - Nam khiến nhiều tàu phải dừng lại.
Tại hiện trường, nhiều tảng đá rơi xuống nằm ngổn ngang khoảng 15 m trên đường sắt; trong đó có tảng đá lớn nhất hơn 6 m3 chắn giữa đường ray, buộc tàu phải lùi về ga Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) chờ lực lượng cứu hộ đến giải tỏa.
Công ty Quản lý đường sắt Thừa Thiên - Huế huy động nhân lực cùng nhiều phương tiện chuyên dụng đến hiện trường phá đá, tìm giải pháp khai thông điểm sạt lở núi nơi đây.