Hành khách cần lưu ý gì khi mua vé tàu Tết?
Ngành Đường sắt Việt Nam khuyến cáo hành khách lưu ý quy định mới để mua vé tàu Tết thành công khi chính thức mở bán ngày 1/10.
Ngành Đường sắt Việt Nam vừa ban hành các quy định cũng như hướng dẫn cụ thể về mua vé tàu Tết Kỳ Hợi để hành khách lưu ý và nhanh chóng sở hữu được vé tàu Tết.
Cụ thể, từ 8h ngày mai, 1/10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chính thức mở bán vé tàu Tết cho các tập thể đã đăng ký và bán vé cá nhân trên Website: www.dsvn.vn. Các nhà ga, các điểm bán vé và các đại lý bán vé thuộc Đường sắt Việt Nam; qua Tổng đài bán vé… Mỗi khách hàng được đặt chỗ và mua vé trực tiếp mỗi lần không quá 4 vé cho một chiều.
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, khi mua vé đi tàu, hành khách phải cung cấp thông tin và trình giấy tờ tùy thân.
Hành khách đi tàu trên 14 tuổi xuất trình bản chính (bản sao có công chứng còn hiệu lực) một trong các loại giấy tờ sau: Hộ chiếu; Giấy chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Giấy chứng minh, chứng nhận của các lực lượng vũ trang; Thẻ Đại biểu Quốc hội; Thẻ Đảng viên, thẻ Đoàn viên; Thẻ Nhà báo; Giấy phép lái ôtô, môtô; Giấy chứng nhận các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội (thương binh, bệnh binh, giấy chứng nhận khuyết tật…) được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Các loại giấy tờ này phải còn giá trị sử dụng và kèm theo ảnh có đóng dấu giáp lai.
Hành khách đi tàu từ 6 tuổi đến 14 tuổi không có CMND, hộ chiếu thì xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: Giấy khai sinh; Giấy xác nhận của tổ chức xã hội đối với trẻ em do tổ chức xã hội đang nuôi dưỡng, chỉ có giá trị sử dụng trong thời gian 6 tháng kể từ ngày xác nhận.
Đối với vé không chỗ cho trẻ em (thuộc diện mua vé), hành khách có kèm trẻ em đi cùng mua vé giường nằm hoặc ghế ngồi và tự nguyện đồng ý ghi vào giấy yêu cầu in sẵn của đường sắt với nội dung “Đề nghị mua vé không chỗ cho trẻ em và tự đảm bảo an toàn cho trẻ em khi sử dụng chung chỗ với người lớn”.
Mỗi vé hành khách người lớn được mua kèm thêm một vé trẻ em không chỗ. Trẻ em mua vé không chỗ bằng 60% giá vé loại chỗ thấp nhất quy định tại bảng giá vé trên đoàn tàu đó, khi lên tàu được bố trí sử dụng chỗ chung với người lớn đi kèm.
Các hình thức thanh toán khi mua vé online như sau: Khi hành khách đặt chỗ thành công, sẽ thanh toán trực tuyến (online); Thanh toán trực tiếp tại các nhà ga của đường sắt, các điểm bán vé, các đại lý bán vé của Đường sắt VIệt Nam; Thanh toán tại các điểm giao dịch của Ngân hàng VIB trên toàn quốc; Thanh toán tại các điểm thu hộ tại các bưu cục thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VN Post).
Thời gian thanh toán, đối với các vé thanh toán trực tuyến (online): thời hạn thanh toán trong vòng 1 giờ kể từ lúc đặt vé thành công.
Đối với các vé thanh toán trả sau đã đặt chỗ thành công trong các khoảng thời gian sau: Từ 8h ngày 1/10 đến 24h ngày 5/10, thời hạn thanh toán sau khi đặt chỗ thành công trong vòng 72 giờ; Từ 0h ngày 6/10 đến 24h ngày 10/10 thời hạn thanh toán sau khi đặt chỗ thành công là 48 giờ; Từ 0h ngày 11/10 trở đi thời hạn thanh toán sau khi đặt chỗ thành công là 24 giờ (như hiện nay). Đối với các vé đã đặt chỗ thành công mà không thanh toán trong khoảng thời gian quy định nêu trên thì chỗ đã đặt sẽ được trả ra hệ thống bán vé một cách ngẫu nhiên.
Ông Văn khuyến cáo, để đảm bảo quyền lợi của hành khách đi tàu, khi có sự cố xảy ra như mất vé, trùng chỗ trên tàu, đổi trả vé… khi mua vé hành khách phải xuất trình đầy đủ giấy tờ tùy thân hợp lệ.
Hành khách nên lưu giữ mã vé của thẻ lên tàu để tra cứu lại thông tin đi tàu khi cần thiết. Khi hành khách đi tàu phải có “Thẻ lên tàu” hợp lệ và có thông tin cá nhân trùng khớp với thông tin trên Thẻ mới được đi tàu.
Đặc biệt, để tránh việc mua nhầm “vé giả”, “vé không hợp lệ”, hành khách nên mua vé tại các nhà ga, các điểm bán vé, các đại lý thuộc ngành Đường sắt quản lý; không nên mua vé bên ngoài cò mồi chợ đen, các đại lý trá hình sẽ gây thiệt hại về tài chính của hành khách đồng thời không đi được tàu.
Đối với hành khách mua vé tại ga Sài Gòn, hành khách cần nhắn tin qua tổng đài tự động lấy số thứ tự trước, sau đó ra ga mua vé. Tuy nhiên, khách hàng có mã đặt chỗ (đã đặt chỗ online, chỉ phải ra ga thanh toán, lấy vé) thì lấy số thứ tự trực tiếp tại ga.
Thời gian bắt đầu nhắn tin lấy số thứ tự từ 8h ngày 30/9. Thời gian nhắn tin lấy số thứ tự từ 8h đến 18h hàng ngày. Số lượng số thứ tự cấp mỗi ngày là 1.500 số và cấp liên tục cho đến hết 7.500 số dùng để mua vé tàu Tết trong 5 ngày (từ 1/10 đến 5/10). Từ ngày 6/10, khách hàng mua vé tàu Tết lấy số thứ tự trực tiếp tại ga.
Mỗi số thứ tự được mua không quá 4 vé và một số điện thoại di động chỉ được nhắn tin cấp số thứ tự 2 lần.
* Để lấy số thứ tự mua vé, hành khách soạn tin nhắn theo cú pháp:
GASG TÊN XXXX => gửi 8377
(Ví dụ: GASG HUNG 1234 => gửi 8377)
Trong đó:
GASG : là mã số dịch vụ lấy số thứ tự của Chi nhánh VTĐS Sài Gòn
TÊN : là tên của người đến mua vé, tên viết liền, không dấu
XXXX : là 4 ký tự cuối của giấy tờ tùy thân (căn cước, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, bằng lái...)
* Để kiểm tra số thứ tự mua vé đang phục vụ đến số bao nhiêu, hành khách soạn tin theo cú pháp:
GASG KT => gửi 8377
Tàu hỏa bốc cháy trong đêm
Toa cuối của đoàn tàu Thống Nhất chở hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc chuẩn bị bốc dỡ tại ga Đông Hà (Quảng Trị) thì bỗng dưng bốc cháy lúc rạng sáng nay.
3h ngày 26/4, đoàn tàu Thống Nhất 1 chạy hướng Hà Nội - TP HCM vào ga Đông Hà (Quảng Trị), chuẩn bị bốc dỡ hàng hóa thì bỗng dưng phát hỏa ở toa hàng cuối.
Nhân viên đoàn tàu và nhà ga đã nỗ lực dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập lửa nhưng không thành. Đám cháy nhanh chóng bốc cao và lan rộng khắp toa hàng. Hơn hai tiếng sau khi hai xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ cảnh sát Quảng Trị đến ứng cứu, ngọn lửa mới không chế.
Tại hiện trường, khói bốc lên nghi ngút, hàng hóa trong toa tàu bị thiêu rụi hoàn toàn, không có thiệt hại về người.
Ông Trần Ngọc Khương, Trưởng ga Đông Hà cho biết, số hàng hóa này gồm giày da, linh kiện điện tử, vải vóc, mỹ phẩm… có xuất xứ từ Trung Quốc.
Nguyên nhân và thiệt hại của vụ cháy đang được làm rõ.
Nhân viên tàu trả lại 1.200 USD của nữ du khách bỏ quên
Nhân viên tàu SE3 vừa trả lại số tiền 1.200 USD của một nữ du khách Canada bỏ quên khi xuống Ga Huế.
Trưa 11/2, trưởng tàu SE3 Vũ Thanh Minh (Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội) đã bàn giao số tiền gần 1.200 USD cho lãnh đạo Ga Đà Nẵng. Số tài sản này của hành khách Daryl Joan (quốc tịch Canada) để quên trên tàu SE3.
Tàu SE3 xuất từ Hà Nội lúc 22h ngày 10/2. Khi đến Ga Huế, nhân viên Nguyễn Văn Hiền phát hiện tại toa số 3 có một chiếc áo khoác màu xanh hành khách để quên, trong đó có chứa 1.200 USD.
Ngay lập tức, anh Hiền báo cáo sự việc cho trưởng tàu Vũ Thanh Minh và mời một số hành khách khác làm chứng để lập biên bản về vụ việc.
Sau khi kiểm tra, ông Minh phát hiện vị khách nước ngoài đã xuống Ga Huế nên liên lạc với lãnh đạo Ga Đà Nẵng để bàn giao số tài sản trên khi tàu dừng bánh tại ga này. Chiều cùng ngày, hành khách Daryl Joan đã nhận lại toàn bộ tài sản của mình.
Trước đó, ngày 3/2, khi đi trên tàu TN2 từ Đà Nẵng ra TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), hành khách Kim Thư (trú Đà Nẵng) cũng bỏ quên một túi xách, bên trong có gần 2 triệu đồng và nhiều tài sản có giá trị khác.
Trưởng tàu SE3 Vũ Thanh Minh bàn giao tài sản của hành khách Daryl Joan cho lãnh đạo Ga Đà Nẵng để trao trả lại cho người bỏ quên. Ảnh: Đoàn Nguyên.
Một ngày sau, cũng trên chuyến tàu SE3, chị Kristin Johnson (30 tuổi, quốc tịch Canada) đi du lịch đến Quảng Bình, xuống Ga Đồng Hới cũng để quên túi xách có 4,5 triệu đồng, một điện thoại iPhone 6, thẻ ATM. Đến nay, toàn bộ tài sản nói trên đã được bàn giao cho hành khách.
Trao đổi với Zing.vn, lãnh đạo Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội cho biết từ Tết Đinh Dậu đến nay, nhân viên trên các chuyến tàu bắc - nam của đơn vị đã hơn 20 lần nhặt được tài sản của hành khách đánh rơi hoặc bỏ quên, tổng giá trị tài sản gần 200 triệu đồng.