Bình Định: Đau đầu với nhà ga mỗi ngày chỉ "xuất" 1 chuyến tàu
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT ngày 8/10, lãnh đạo tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ GTVT trình Thủ tướng cho dừng hoạt động, di dời tuyến đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn, ga đường sắt Quy Nhơn và nâng cấp mở rộng ga Diêu Trì.
Sau khi nhận mặt bằng, UBND tỉnh Bình Định sẽ sử dụng diện tích đất ga Quy Nhơn xây dựng các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật; phần đất dọc theo đường sắt sẽ sử dụng để mở rộng đường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn). Vì hiện nay, tuyến đường này không đáp ứng được lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông ra vào thành phố, thường xuyên ách tắc và xảy ra tai nạn giao thông.
Từ năm 2012 đến nay, lãnh đạo tỉnh Bình Định rất nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT trình Thủ tướng phương án di dời ga Quy Nhơn vì ảnh hưởng tới sự phát triển của thành phố và tiềm ẩn tai nạn giao thông, nhưng vẫn chưa thực hiện được.
Theo UBND tỉnh Bình Định, tại thông báo ngày 23/10/2015 của Bộ GTVT về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, giao cho các cơ quan liên quan thuộc Bộ GTVT xử lý dứt điểm việc chấm dứt hoạt động tuyến đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn và di dời ga Quy Nhơn ra khỏi nội thành thành phố Quy Nhơn. Trong đó, giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam hoàn thiện phương án để báo cáo chính thức, cụ thể về thời gian đóng tuyến đường sắt trước ngày 20/11/2015. Tuy nhiên, đến nay đoạn tuyến đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn vẫn chưa chấm dứt hoạt động.
Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Hiện nay, ga Quy Nhơn 1 ngày chỉ có 1 chuyến tàu duy nhất từ TP Quy Nhơn đi TP Hồ Chí Minh, nhưng lèo tèo chỉ vài người đi. Trong khi đó, ga Diêu Trì là 1 trong 27 ga lớn của cả nước và gần TP Quy Nhơn. Rất nhiều lần Bộ trưởng Bộ GTVT đã kết luận phải di dời ngay, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Khó khăn ở đây là ga Quy Nhơn cắt ngang thành phố nên muốn lưu thông từ Tây sang Đông phải cắt đường sắt, dẫn đến khó cho phát triển của thành phố”.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi cho biết theo đề nghị của tỉnh Bình Định thì Bộ GTVT đã có 3 buổi làm việc và giao cho đơn vị này tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên, theo quy định mới sau khi thu hồi đất đường sắt trên tuyến Quy Nhơn - Diêu Trì thì tỉnh sẽ sử dụng đất này vào mục đích gì.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng muốn di dời ga Quy Nhơn thì cần phải có chủ trương cụ thể rồi mới trình Thủ tướng Chính phủ.
“Bình Định cần phải nghiên cứu thật kỹ vì nếu thu lại tuyến đường sắt này sẽ khó kết nối lại được nữa, lúc đó lại quy trách nhiệm. Phải nhìn tổng thể 17 km từ ga Diêu Trì về ga Quy Nhơn, chứ không phải chỉ nhìn diện tích thu hồi ga Quy Nhơn. Các anh thu hồi để làm cái gì, để làm đường công cộng hay rồi để dân lấn chiếm rồi mất hết toàn bộ?”, ông Thể băn khoăn.
Cận cảnh khu công nghiệp 'treo' gần 11 năm, bỏ hoang hàng trăm ha đất ở Bình Định
(PLVN) - Sau gần 11 năm xây dựng, khu công nghiệp (KCN) Hòa Hội (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đến nay vẫn là một bãi đất hoang hóa rộng lớn, gây lãng phí hàng trăm ha đất. Trong khi đó, người dân ở đây không có đất canh tác, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
KCN Hòa Hội có tổng diện tích quy hoạch 265ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 440 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hòa Hội làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ tháng 8/2009. Theo kết hoạch, đến tháng 9/2011, KCN này sẽ hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 và đến tháng 12/2013 sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại.
Tuy nhiên, do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính nên vào tháng 4/2011, UBND tỉnh Bình Định đã ra văn bản đình chỉ đối với đơn vị này.
Đến tháng 5/2016, UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương giao việc đầu xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Hòa Hội cho Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển KCN và đô thị Phúc Lộc. Tuy nhiên, đến nay KCN này vẫn là một bãi đất hoang hóa, nham nhở.
Để thực hiện dự án KCN Hòa Hội, khoảng 300 hộ gia đình ở thôn Mỹ Hóa và Hòa Hội có nhà ở, đất vườn, đất nông nghiệp và tài sản trên đất bị thu hồi để giải phóng mặt bằng.
Trong đó, đa số các hộ bị giải tỏa trắng về nhà ở, đất ở, bị thu hồi từ 80% - 90% diện tích đất nông nghiệp.
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực triển khai dự án KCN Hòa Hội không có rào chắn xung quanh; bên trong, một diện tích đất đã được san ủi...
Hệ thống cống thoát nước xây dựng dang dở, bị bỏ hoang lâu ngày nên đất cát vùi lấp miệng cống.
Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình trong diện giải tỏa đã đi lâu ngày nhưng chủ đầu tư vẫn chưa san ủi; một số ngôi nhà đã được san ủi nhưng những giếng nước sâu hoáy vẫn nằm “chình ình”, trong khi nhiều em nhỏ vào khu vực này chơi đùa, đá bóng nên rất nguy hiểm.
Tấm bảng thể hiện đồ án quy hoạch dự án KCN Hòa Hội đã bong tróc toàn bộ nội dung.
Ông Phạm Hữu Sĩ (ngụ thôn Mỹ Hóa, xã Cát Hanh) bức xúc: “Đất canh tác đã bị thu hồi phục vụ cho việc triển khai xây dựng KCN Hòa Hội nên người dân chúng tôi không còn đất sản xuất, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Lúc trước, cứ tưởng giao đất cho doanh nghiệp thì sau khi KCN đi vào hoạt động, người dân địa phương sẽ có công ăn việc làm ổn định. Ai ngờ đâu đã hơn 10 năm trôi qua, mấy trăm ha đất vẫn bỏ hoang hóa, trong khi người dân lại không có đất sản xuất. Nghĩ thật là trớ trêu”.
Chủ tịch UBND xã Cát Hanh Võ Văn Sáu cho biết, việc người dân bức xúc khi KCN Hòa Hội đến nay vẫn “giẫm chân tại chỗ” là điều không thể tránh khỏi. Nếu KCN đi vào hoạt động đúng kế hoạch thì chính quyền và người dân địa phương sẽ hưởng lợi rất nhiều, đặc biệt là vấn đề việc làm cho lao động địa phương.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Nguyễn Trung Kiên cho biết, trước tình trạng dự án KCN Hòa Hội thi công chậm tiến độ, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng và UBND tỉnh tìm biện pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, đến nay việc thi công xây dựng KCN vẫn trì trệ.
“Chính quyền địa phương rất mong các ngành chức năng can thiệp để đơn vị chủ đầu tư sớm tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đưa KCN Hòa Hội đivào hoạt động, đáp ứng mong mỏi của người dân; đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương”, ông Kiên nói.
Không thể phủ nhận rằng, trong thời gian vừa qua, tỉnh Bình Định đã có giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nhưng rõ ràng, đối với một số chủ đầu tư có dấu hiệu “chây ì” trong việc triển khai dự án thì cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa để nhằm khắc phục tình trạng “treo dự án”, thậm chí phải thu hồi để tránh ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, lãng phí tài nguyên đất và sự mất lòng tin của người dân địa phương.
Giá vé tàu xe tăng sau Tết
VTV.vn - Sau Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Nhiều bến xe, nhà ga đã tăng cường đội xe, đoàn tàu để phục vụ khách hàng, dù vậy, giá cước vận tải cũng theo đó tăng lên.
Ghi nhận của phóng viên thời sự VTV8 tại Bến xe trung tâm TP Đà Nẵng, kể từ mùng 2 Tết cho đến nay, hoạt động kinh doanh vận tải diễn ra rất sôi động. Sau dịp Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đặc biệt vào các tỉnh thành phía Nam. Dịp này, giá vé có điều chỉnh tăng lên từ 20% – 40% so với ngày thường.
Còn tại Ga Đà Nẵng, dịp Tết năm nay trung bình mỗi ngày nhà ga đón từ 1.500 – 2.000 khách, cao điểm đón gần 3.000 khách, tuy nhiên lượng khách năm nay không cao, chỉ đạt 85% so với năm trước. Giá vé tăng không nhiều, từ 10 – 15% so với năm trước. Ngành đường sắt cũng đã hạn chế việc chậm tàu.
Nhìn chung, năm nay các đơn vị vận tải Đà Nẵng đã chủ động lên kế hoạch bán vé, tăng số lượng phương tiện, chuyến đi và chuẩn bị nhân lực... để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm này, nên không còn tình trạng cháy vé như trước. Giá vé tăng cao so với bình thường nhưng không đổi so với mọi năm. Từ nay đến 15 âm lịch, lượng khách vẫn sẽ cao khi sinh viên trở lại đi học.
Ga Đà Nẵng mở thêm 2 cửa bán vé Tết
VTV.vn - Ga Đà Nẵng đã mở thêm 2 cửa bán vé, nâng tổng số các cửa bán vé lên 7 cửa.
Vẫn còn hơn 51.000 vé tàu Tết Bắc - Nam
Vẫn còn hơn 328.000 vé tàu Tết
Tặng hơn 42.000 vé tàu, xe cho công nhân, sinh viên về quê ăn Tết
Để chủ động trong công tác bán vé Tết, 4 phòng vé tại ga Đà Nẵng sẽ luôn mở cửa 24/24h, kèm theo tăng cường các tổ chăm sóc khách hàng, hướng dẫn cụ thể cho hành khách. Ngoài ra, nhà ga còn mở thêm 1 cửa bán vé tại số 91 đường Trần Cao Vân, Đà Nẵng.
Ga Đà Nẵng cũng mở thêm cửa bán vé dành riêng cho khách mua vé qua điện thoại hoặc mạng Internet, có dịch vụ giao vé tận nhà. Việc xếp hàng mua vé ở ga không ùn tắc nhờ áp dụng bấm số điện tử. Để đáp ứng lượng khách tăng cao đột biến, việc chuyển đổi 1 giường nằm thành 3 ghế cũng được triển khai.
Hiện nay, nhà ga Đà Nẵng vẫn còn khoảng gần 16.000 vé các loại đang tiếp tục được mở bán phục vụ nhân dân. Cụ thể, trước Tết, chiều từ Đà Nẵng đi Hà Nội còn hơn 3.000 vé. Sau Tết, chiều từ Đà Nẵng đi Sài Gòn còn hơn 12.500 vé các loại.
Đà Nẵng: Bến tàu xe thông thoáng ngày cận Tết
VTV.vn - Tính đến thời điểm này, ga Đà Nẵng đã bán ra hơn 21.000 vé tàu Tết nhưng chưa có cảnh quá tải ngày Tết; trong khi đó, bến xe Đà Nẵng cũng chưa cần đến xe tăng cường.
Ga Sài Gòn hỗ trợ hành khách trễ tàu do kẹt xe
Kiểm tra việc chuẩn bị tàu xe phục vụ Tết
Quảng Nam: Không để hành khách ở lại bến tàu xe đêm 30 Tết vì không có vé
Từ ngày 25/1 - 5/2, ga Đà Nẵng chỉ còn một số vé ghế cứng. Hành khách có nhu cầu sẽ được hướng dẫn mua ghế ngồi phụ với tối đa 7 ghế/toa, mức giá bằng 80% vé thấp nhất trên đoàn tàu đó.
Đặc thù giao thông tại Đà Nẵng không "nóng" như TP.HCM và Hà Nội nên tình trạng khách đến trễ, chậm chuyến do kẹt xe không xảy ra. Ngoài ra, ga Đà Nẵng đã tiến hành giao vé tận nhà cho hành khách đối với những người đặt vé qua điện thoại, qua mạng. Nhờ đó, áp lực tại quầy vé đã giảm đi nhiều.
Lượng khách đi tàu từ Đà Nẵng ra Bắc vào Nam đều tăng
VTV.vn - Từ ngày mai (21/2), các cơ quan công sở bắt đầu trở lại ngày làm việc đầu tiên. Tại Ga Đà Nẵng, lượng khách đi tàu ra Bắc vào Nam đều tăng so với mọi năm.
Tại Ga Đà Nẵng trong sáng nay (20/2), nhiều đoàn tàu từ Bắc vào Nam đến Đà Nẵng có lượng khách rất đông, vì sau những ngày về quê ăn Tết, hầu hết mọi người đều phải lên đường để trở lại cơ quan đơn vị cho kịp ngày làm việc đầu tiên. Nếu như mọi năm lượng khách chủ yếu vào phía Nam thì năm nay, lượng khách ra phía Bắc lại tăng. Theo lãnh đạo Ga Đà Nẵng, lượng khách tăng từ 15% đến 20% so với năm ngoái. Từ ngày 20 đến ngày 25/2 đã hết vé vào Nam và còn một số ít vé ra các tỉnh thành phía Bắc như Vinh, Thanh Hóa, Ninh Bình.
Để đảm bảo phục vụ hành khách đi vào các tỉnh phía Nam, ngành đường sắt tăng cường đôi tàu D1 và D2 xuất phát từ Đà Nẵng đi TP. Hồ Chí Minh, chủ yếu là phục vụ lượng khách ở các ga lẻ như Trà Kiệu, Tam Kỳ, Quảng Ngãi. Trong những ngày qua, tình hình phục vụ khách tại các ga ở miền Trung diễn ra an toàn không xảy ra sự cố nào.
Đà Nẵng chốt phương án di dời ga đường sắt
Sáng 15/3, đại diện tư vấn của Ngân hàng thế giới đã có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng về Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị.
Trong phạm vi nghiên cứu, đại diện Ngân hàng Thế giới tập trung 3 hướng để đánh giá sự phát triển tổng thể của thành phố Đà Nẵng từ góc độ vị trí của nhà ga hiện tại và nhà ga mới để tính toán tỷ lệ với nhà ga cũ và phát triển nhà ga mới tích hợp của sự phát triển chung của thành phố.
Qua phân tích 4 phương án mà Ban Quản lý dự án đường sắt (PMUR) thuộc Bộ GT-VT đã đưa ra trước đó, đại diện Ngân hàng Thế giới chú trọng phân tích phương án 1A. Đây là phù hợp nhất, hướng tuyến phù hợp với sự quy hoạch, hướng phát triển và có kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng trong tương lai.
Bên cạnh đó, nếu xây dựng theo phương án này, có thể tận dụng tối ưu tuyến đường sắt cũ, hành lang tuyến... để tái phát triển đô thị thông qua việc phát triển các phương tiện vận tải công cộng (BRT).
Đối với vị trí nhà ga mới, sẽ tạo kết nối nhà ga mới với đô thị mới sẽ hình thành, tạo động lực thúc đẩy khu đô thị trung tâm phía Tây thành phố phát triển. Theo đại diện ngân hàn thế giới, việc di dời ga hiện trạng đến vị trí mới tại quận Liên Chiểu đem lại những lợi ích như: hạn chế xe tải, xe hạng nặng, giảm ùn tắc giao thông; tạo sự kết nối giao trong tương lai theo hướng quy hoạch của Chính phủ Việt Nam mà Bộ GT-VT đang triển khai.
Hiện Ngân hàng thế giới đã thông báo Dự án đến các nhà tài trợ và điều phối. Đồng thời, mong muốn UBND TP Đà Nẵng có thống nhất cao trong phương án để tháng 4 có đáp án và tháng 6 sẽ triển khai. Trong những kiến nghị, tư vấn của Ngân hàng thế giới cũng đề nghị tương lai thành phố Đà Nẵng di dời luôn bến xe hiện tại ra khỏi nội đô.
Về phía TP Đà Nẵng, đại diện các Sở GT-VT, sở Xây dựng cũng cơ bản thống nhất theo hướng tuyến 1A mà Ngân hàng Thế giới đưa ra vì đã phù hợp với quy hoạch chung của Đà Nẵng. Tuy nhiên, về tái phát triển tuyến đướng sắt cũ sau khi di dời nhà ga cũ, các Sở đề nghị tư vấn của Ngân hàng thế giới nên đưa ra được hành lang tuyến cụ thể để biết diện tích chừa ra bao nhiêu để sau đó để làm tuyến metro trên cao.
Bên cạnh đó, các Sở ngành chức năng cũng kiến nghị tư vấn nên hoàn chỉnh hơn phương án bằng việc kết nối nhà ga đường sắt mới đến sân bay quốc tế Đà Nẵng và vào Trung tâm thành phố, hướng đến kết nối các đầu mối giao thông quan trọng lại với nhau.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, di dời ga đường sắt cũ và tái phát triển đô thị đang là dự án trọng tâm của Đà Nẵng. Ông Tuấn thống nhất 6 điểm và 8 vấn đề mà tư vấn đã đưa ra. Đây sẽ là tiền đề cho thành phố Đà Nẵng có cơ sở để báo cáo Bộ GT-VT triển khai các bước tiếp theo. Tại buổi làm việc, ông Tuấn cũng thông báo, cách đây vài ngày, sau buổi làm việc ngày 5/3 vừa qua, Bộ GT-VT cũng đã có văn bản chốt phương án di dời ga đường sắt Đà Nẵng theo phương án 1A.
Cụ thể: Phạm vi triển khai dự án bao gồm ga Đà Nẵng và công trình liên quan từ Km 750+000 đến Km806+000. Ga mới Đà Nẵng sẽ tách ra làm hai ga hành khách và hàng hóa. Ga hành khách mới có quy mô (giai đoạn I) 33ha, đặt tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu; ga hàng hóa mới có quy mô 25ha, đặt tại phường Hòa Hiệp Nam (gần vị trí đường Nguyễn Tất Thành nối dài, nằm trong khu đô thị mới Golden Hills City).
Về hướng tuyến qua thành phố, được dự kiến về phía Tây và điểm chập với tuyến cũ ở phía Nam tại khu vực cầu Đỏ và phía Bắc thành phố là nối với hướng tuyến đường sắt qua hầm mới Hải Vân.
Như vậy, nội dung di dời ga Đà Nẵng theo Quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc Nam hoàn toàn phù hợp với điều chỉnh quy hoạch ngành đường sắt trong giai đoạn 2013-2020 tầm nhìn đến 2030 và Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng. Dự kiến kinh phí cho các hạng mục (giai đoạn I), bao gồm xây dựng tuyến đường sắt mới dài 16km, xây mới ga khách Đà Nẵng, xây dựng 6 cầu vượt đường bộ (cầu Thanh Khê, cầu vượt quốc lộ 14B và 4 cầu vượt đường bộ) với tổng kinh phí xấp xỉ 7.000 tỷ đồng.
Đường sắt kích cầu "sốc", đi tàu hỏa trong tháng 10 được giảm 50% giá vé
Đường sắt đưa ra chương trình kích cầu đặc biệt hấp dẫn, hành khách đi tàu trong tháng 10 được giảm 50% giá vé.
Hành khách đi tàu trong tháng 10/2019 trên các mác tàu do Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn quản lý sẽ được giảm 50%
Thông tin với Báo Giao thông, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, từ ngày 25/9, đơn vị này sẽ thực hiện chương trình kích cầu dành cho hành khách đi tàu trong tháng 10/2019.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn dành 3.300 vé giảm giá 50% cho hành khách đi trên các đoàn tàu công ty quản lý từ ngày 1/10 đến hết ngày 31/10/2019. Thời gian tổ chức bán vé từ 8h00 ngày 25/9 đến hết ngày 5/10/2019.
Chương trình áp dụng cho hành khách mua vé trước 5 ngày tàu chạy với số toa, số chỗ cụ thể (khi hành khách mua vé vào những chỗ cố định này sẽ được giảm 50% giá vé). Loại chỗ áp dụng là ghế ngồi mềm và giường nằm khoang 6 điều hòa của tất cả các cung chặng trên các mác tàu của công ty.
Vé được bán tại các website: www.dsvn.vn, vetau.com.vn, giare.vetau.vn...; Các nhà ga, các điểm bán vé, đại lý bán vé và các kênh bán vé khác hợp tác với ngành đường sắt. Vé đã mua được đổi trả; phí trả vé là 50% giá tiền in trên Thẻ lên tàu.
Trước đó, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, sẽ tổ chức chạy thêm các đoàn tàu SNT3, SNT4, SNT5 từ Sài Gòn đi Nha Trang và ngược lại vào các ngày cuối tuần từ 26/9 - 29/12/2019. Giá vé giảm trung bình 30% so với giá vé tàu SNT1/2 Sài Gòn - Nha Trang chạy cùng ngày: giá vé giường nằm chỉ từ 300.000 đồng đến 480.000 đồng/vé; Giá vé ngồi mềm chỉ từ 230.000 đồng/vé.
Đối với hành khách mua vé cá nhân đi tàu suốt chặng sẽ được giảm 5% giá vé khi mua vé trước ngày tàu chạy từ 10 đến 19 ngày; Giảm 20% giá vé khi mua trước từ 20 đến 39 ngày, nhưng không áp dụng giảm giá cho loại chỗ giường nằm khoang 4 điều hòa. Đặc biệt, khi mua vé trước ngày tàu chạy từ 30 ngày trở lên, hành khách sẽ được giảm 30% giá vé; tuy nhiên không áp dụng giảm giá cho loại chỗ giường nằm khoang 4 điều hòa.