Bình Định: Đau đầu với nhà ga mỗi ngày chỉ "xuất" 1 chuyến tàu
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT ngày 8/10, lãnh đạo tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ GTVT trình Thủ tướng cho dừng hoạt động, di dời tuyến đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn, ga đường sắt Quy Nhơn và nâng cấp mở rộng ga Diêu Trì.
Sau khi nhận mặt bằng, UBND tỉnh Bình Định sẽ sử dụng diện tích đất ga Quy Nhơn xây dựng các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật; phần đất dọc theo đường sắt sẽ sử dụng để mở rộng đường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn). Vì hiện nay, tuyến đường này không đáp ứng được lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông ra vào thành phố, thường xuyên ách tắc và xảy ra tai nạn giao thông.
Từ năm 2012 đến nay, lãnh đạo tỉnh Bình Định rất nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT trình Thủ tướng phương án di dời ga Quy Nhơn vì ảnh hưởng tới sự phát triển của thành phố và tiềm ẩn tai nạn giao thông, nhưng vẫn chưa thực hiện được.
Theo UBND tỉnh Bình Định, tại thông báo ngày 23/10/2015 của Bộ GTVT về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, giao cho các cơ quan liên quan thuộc Bộ GTVT xử lý dứt điểm việc chấm dứt hoạt động tuyến đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn và di dời ga Quy Nhơn ra khỏi nội thành thành phố Quy Nhơn. Trong đó, giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam hoàn thiện phương án để báo cáo chính thức, cụ thể về thời gian đóng tuyến đường sắt trước ngày 20/11/2015. Tuy nhiên, đến nay đoạn tuyến đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn vẫn chưa chấm dứt hoạt động.
Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Hiện nay, ga Quy Nhơn 1 ngày chỉ có 1 chuyến tàu duy nhất từ TP Quy Nhơn đi TP Hồ Chí Minh, nhưng lèo tèo chỉ vài người đi. Trong khi đó, ga Diêu Trì là 1 trong 27 ga lớn của cả nước và gần TP Quy Nhơn. Rất nhiều lần Bộ trưởng Bộ GTVT đã kết luận phải di dời ngay, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Khó khăn ở đây là ga Quy Nhơn cắt ngang thành phố nên muốn lưu thông từ Tây sang Đông phải cắt đường sắt, dẫn đến khó cho phát triển của thành phố”.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi cho biết theo đề nghị của tỉnh Bình Định thì Bộ GTVT đã có 3 buổi làm việc và giao cho đơn vị này tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên, theo quy định mới sau khi thu hồi đất đường sắt trên tuyến Quy Nhơn - Diêu Trì thì tỉnh sẽ sử dụng đất này vào mục đích gì.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng muốn di dời ga Quy Nhơn thì cần phải có chủ trương cụ thể rồi mới trình Thủ tướng Chính phủ.
“Bình Định cần phải nghiên cứu thật kỹ vì nếu thu lại tuyến đường sắt này sẽ khó kết nối lại được nữa, lúc đó lại quy trách nhiệm. Phải nhìn tổng thể 17 km từ ga Diêu Trì về ga Quy Nhơn, chứ không phải chỉ nhìn diện tích thu hồi ga Quy Nhơn. Các anh thu hồi để làm cái gì, để làm đường công cộng hay rồi để dân lấn chiếm rồi mất hết toàn bộ?”, ông Thể băn khoăn.
Cận cảnh khu công nghiệp 'treo' gần 11 năm, bỏ hoang hàng trăm ha đất ở Bình Định
(PLVN) - Sau gần 11 năm xây dựng, khu công nghiệp (KCN) Hòa Hội (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đến nay vẫn là một bãi đất hoang hóa rộng lớn, gây lãng phí hàng trăm ha đất. Trong khi đó, người dân ở đây không có đất canh tác, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
KCN Hòa Hội có tổng diện tích quy hoạch 265ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 440 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hòa Hội làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ tháng 8/2009. Theo kết hoạch, đến tháng 9/2011, KCN này sẽ hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 và đến tháng 12/2013 sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại.
Tuy nhiên, do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính nên vào tháng 4/2011, UBND tỉnh Bình Định đã ra văn bản đình chỉ đối với đơn vị này.
Đến tháng 5/2016, UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương giao việc đầu xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Hòa Hội cho Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển KCN và đô thị Phúc Lộc. Tuy nhiên, đến nay KCN này vẫn là một bãi đất hoang hóa, nham nhở.
Để thực hiện dự án KCN Hòa Hội, khoảng 300 hộ gia đình ở thôn Mỹ Hóa và Hòa Hội có nhà ở, đất vườn, đất nông nghiệp và tài sản trên đất bị thu hồi để giải phóng mặt bằng.
Trong đó, đa số các hộ bị giải tỏa trắng về nhà ở, đất ở, bị thu hồi từ 80% - 90% diện tích đất nông nghiệp.
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực triển khai dự án KCN Hòa Hội không có rào chắn xung quanh; bên trong, một diện tích đất đã được san ủi...
Hệ thống cống thoát nước xây dựng dang dở, bị bỏ hoang lâu ngày nên đất cát vùi lấp miệng cống.
Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình trong diện giải tỏa đã đi lâu ngày nhưng chủ đầu tư vẫn chưa san ủi; một số ngôi nhà đã được san ủi nhưng những giếng nước sâu hoáy vẫn nằm “chình ình”, trong khi nhiều em nhỏ vào khu vực này chơi đùa, đá bóng nên rất nguy hiểm.
Tấm bảng thể hiện đồ án quy hoạch dự án KCN Hòa Hội đã bong tróc toàn bộ nội dung.
Ông Phạm Hữu Sĩ (ngụ thôn Mỹ Hóa, xã Cát Hanh) bức xúc: “Đất canh tác đã bị thu hồi phục vụ cho việc triển khai xây dựng KCN Hòa Hội nên người dân chúng tôi không còn đất sản xuất, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Lúc trước, cứ tưởng giao đất cho doanh nghiệp thì sau khi KCN đi vào hoạt động, người dân địa phương sẽ có công ăn việc làm ổn định. Ai ngờ đâu đã hơn 10 năm trôi qua, mấy trăm ha đất vẫn bỏ hoang hóa, trong khi người dân lại không có đất sản xuất. Nghĩ thật là trớ trêu”.
Chủ tịch UBND xã Cát Hanh Võ Văn Sáu cho biết, việc người dân bức xúc khi KCN Hòa Hội đến nay vẫn “giẫm chân tại chỗ” là điều không thể tránh khỏi. Nếu KCN đi vào hoạt động đúng kế hoạch thì chính quyền và người dân địa phương sẽ hưởng lợi rất nhiều, đặc biệt là vấn đề việc làm cho lao động địa phương.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Nguyễn Trung Kiên cho biết, trước tình trạng dự án KCN Hòa Hội thi công chậm tiến độ, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng và UBND tỉnh tìm biện pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, đến nay việc thi công xây dựng KCN vẫn trì trệ.
“Chính quyền địa phương rất mong các ngành chức năng can thiệp để đơn vị chủ đầu tư sớm tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đưa KCN Hòa Hội đivào hoạt động, đáp ứng mong mỏi của người dân; đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương”, ông Kiên nói.
Không thể phủ nhận rằng, trong thời gian vừa qua, tỉnh Bình Định đã có giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nhưng rõ ràng, đối với một số chủ đầu tư có dấu hiệu “chây ì” trong việc triển khai dự án thì cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa để nhằm khắc phục tình trạng “treo dự án”, thậm chí phải thu hồi để tránh ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, lãng phí tài nguyên đất và sự mất lòng tin của người dân địa phương.
Kiến nghị đỗ tàu SE19/20 tại ga Đồng Lê
Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội kiến nghị cho tàu SE19/20 không đỗ tại ga Chợ Sy và ga Phủ Lý.
Tại Hội nghị người lao động sáng nay (29/1), ông Huỳnh Cường, Giám đốc Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội kiến nghị Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội bố trí cho tàu SE 19/20 không đỗ tại ga Chợ Sy (Nghệ An) và ga Phủ Lý (Hà Nam) vì hai ga này thường xuyên không có khách lên xuống tàu.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng kiến nghị cho tàu SE 19/20 đỗ tại ga Đồng Lê (Tuyên Hóa, Quảng Bình) để đón tiễn khách vì ga này có lượng khách khá thường xuyên.
Tàu SE19/20 chạy tuyến Hà Nội - Đà Nẵng và ngược lại. Tàu SE19 xuất phát tại ga Hà Nội lúc 20h10 phút và đến Đà Nẵng vào lúc 12h20 phút hôm sau. Tàu SE20 xuất phát tại ga Đà Nẵng lúc 18h40 phút, đến Hà Nội lúc 12h33 phút hôm sau.
Cùng với đó, Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội cũng kiến nghị nghiên cứu cho tàu LC4 xuất phát tại ga Lào Cai vào lúc 8h40 để về đến ga Hà Nội 19h30, như vậy hành khách có thêm thời gian để chuyển sang các phương tiện khác. Hiện tàu LC4 xuất phát tại ga Lào Cai lúc 9h50 phút và về đến ga Hà Nội lúc 20h15 phút cùng ngày.
Theo ông Huỳnh Cường, với những điều chỉnh này sẽ tạo được điều kiện thuận lợi hơn cho hành khách trong việc lựa cho ga đi, ga đến, chủ động hơn trong thời gian đi lại, từ đó cũng thu hút được hành khách cho ngành Đường sắt.
Dù tàu hỏa chỉ đỗ tại các ga chỉ vài phút để đón tiễn khách, nhưng nếu điều chỉnh hợp lý sẽ thu hút được thêm hành khách đi tàu, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh với đường bộ, đường hàng không mạnh mẽ như hiện nay.
Thêm một ca đỡ đẻ thành công trên tàu SE4
Sáng 27/1, Trưởng tàu SE3/4 Trần Khánh Tâm cho biết vừa giúp một hành khách sinh con thành công trên chuyến tàu SE4 từ TP HCM ra Hà Nội vào tối qua.
Ông Tâm kể, hành khách Bùi Thị Tình (quê Thanh Chương, Nghệ An) đi cùng mẹ già lên tàu từ Sài Gòn, vé ngồi cứng toa số 2.
Khi tàu chạy đến Huế, hành khách kêu đau bụng nên được mời hành khách qua khoang giường nằm nghỉ ngơi, theo dõi. Chị Tình nói, bác sĩ chẩn đoán phải 2 tuần nữa mới sinh. Tuy nhiên, tàu vừa chạy Ga Đồng Lê, chị Tình lại đau bụng dữ dội.
"Thấy vậy, tôi lập tức cử tiếp viên toa xe Trương Yến Trâm hỗ trợ mẹ chị Tình phòng trường hợp sinh trên tàu. Đồng thời, gọi điện xin điều độ cho dừng tàu tại ga Hương Phố để phối hợp đưa chị Tình đi cấp cứu…".
Tuy nhiên, tàu vừa qua Kim Lũ thì chị Tình sinh cháu gái vào khoảng 21h25 ngày 26/1. Tàu dừng ga Hương Phố, mẹ con sản phụ đã được xe cấp cứu đến đưa đi bệnh viện kịp thời.
“Lúc đó rất lo, trời lại rét như thế nhưng ca sinh thành công, chúng tôi hạnh phúc lắm. Tôi cũng đã gọi điện hỏi thăm chị Tình ở bệnh viện, được biết 2 mẹ con mạnh khỏe", anh Tâm chia sẻ.
Nhân viên tàu SE10 thành 'ông đỡ', giúp hành khách sinh con trên tàu
Tổ tàu SE10 vừa hỗ trợ hành khách sinh con "mẹ tròn con vuông" vào chiều tối 4/7 khi tàu sắp đến ga Đồng Lê (Quảng Bình).
Khoảng 18h40, tàu SE10 chạy tuyến Sài Gòn - Hà Nội, khi chạy đến khu gian Lạc Sơn - Ngọc Lâm (Quảng Bình), một nữ hành khách nằm trên toa 6 chuyển dạ. Trưởng tàu Huỳnh Hữu Nghĩa cùng nhân viên Nguyễn Đặng Hùng chạy đến xem.
Thấy nữ sản phụ có dấu hiệu sắp sinh nhưng vì ga sắp tới còn xa, nhân viên tàu khẩn trương chuẩn bị các vật dụng cần thiết, sẵn sàng hỗ trợ hành khách sinh con.
Trưởng toa tàu cũng phát thông báo nhờ người có chuyên môn y tế hỗ trợ nhưng không có nên các nhân viên trên tàu trở thành "ông đỡ" bất đắc dĩ. Một lúc sau, nữ hành khách sinh hạ thành công một bé gái dưới sự giúp đỡ của nhân viên trên tàu.
“Trước tình thế nguy cấp, tôi kẹp rốn em bé, cứ lo sợ không đúng kỹ thuật. Rất may một bác sĩ hướng dẫn qua điện thoại và hành khách trong khoang hỗ trợ. Em bé ra đời an toàn, mẹ con hành khách khỏe mạnh, tôi vui lắm", anh Hùng, nhân viên tàu SE10 nói.
Sau khi hộ sinh, các nhân viên trên tàu điện báo cho ga Đồng Lê (Quảng Bình) điện thoại cho bệnh viện chuẩn bị thiết bị y tế, nhân lực.
Trưởng tài Huỳnh Hữu Nghĩa cho biết sau sự việc, gia đình nữ hành khách đã liên hệ với tàu và thông báo mẹ con hành khách đều khỏe mạnh. Đây là lần đầu tiên, tổ tàu gặp trường hợp này nên không tránh khỏi lo lắng nhưng may mắn mẹ con sản phụ đều an toàn.